Tương quan lực lượng Chiến_dịch_Sao_Thiên_Vương

Tổng quát

Tham số Quân đội Liên Xô Quân đội phe Trục Tỷ lệ tương quan
Binh lực (người) 1.103.000 1.011.000 1,1:1
Pháo và súng cối (khẩu) 15.501 10.290 1,5:1
Xe tăng, xe bọc thép 1.463 675 2,2:1
Máy bay quân sự 1.350 1.216 1,1:1
  • Nguồn 1: Colossus Reborn: The Red Army At War, 1941-1943. — Lawrence (Kansas): University Press Of Kansas, 2005.[2]
  • Nguồn 2: Исаев А. В. Сталинград. За Волгой для нас земли нет. — М.: Яуза, Эксмо, 2008.[34]

Lực lượng phe Trục

Binh lực

Tướng Friedrich Paulus, chỉ huy Tập đoàn quân số 6 của Đức.
  • Cụm tập đoàn quân B do thống chế Maximilian Freiherr von Weichs chỉ huy, trong biên chế có[35]:
    • Tập đoàn quân 6 của thống chế Friedrich Paulus. Tại thời điểm tháng 10, 11 năm 1942 trên mặt trận Xô-Đức, biên chế Tập đoàn quân 6 gồm có[36]:
      • Quân đoàn bộ binh 29 gồm sư đoàn bộ binh 57, 75 và 168.
      • Quân đoàn xe tăng 40 gồm sư đoàn bộ binh 336, sư đoàn bộ binh cơ giới 29, các sư đoàn xe tăng 3 và 23.
      • Quân đoàn bộ binh 8 (Quân đoàn Breslau) gồm sư đoàn bộ binh 76 và 113.
      • Quân đoàn bộ binh 17 gồm các sư đoàn bộ binh 79 và 294.
      • Quân đoàn bộ binh 51 gồm các sư đoàn bộ binh 44, 71 và 297.
    • Tập đoàn quân xe tăng 4 của tướng Hermann Hoth chỉ huy (thay tướng Richard Ruoff ngày 31 tháng 5 năm 1942). Tại thời điểm tháng 10, 11 năm 1942 trên mặt trận Xô-Đức, biên chế Tập đoàn quân xe tăng 4 có:[37]:
      • Quân đoàn cơ giới 24 gồm các sư đoàn cơ giới 3, 16 và cụm công binh công trình 413.
      • Quân đoàn bộ binh 13 gồm các sư đoàn bộ binh 82, 88, 385 và sư đoàn pháo chống tăng 560.
      • Quân đoàn xe tăng 48 gồm các sư đoàn xe tăng 14, 24, sư đoàn cơ giới 29, sư đoàn bộ binh 94 (Đức), sư đoàn bộ binh 20 (Romania) và sư đoàn pháo chống tăng 670.
    • Tập đoàn quân 3 Romania.[38]
    • Tập đoàn quân 4 Romania.[38]
    • Tập đoàn quân 8 Ý.[38]
    • Tập đoàn quân không quân 4.
  • Tập đoàn quân 2 (Đức) và Tập đoàn quân 2 (Hungary) đóng trên tuyến trung lưu sông Volga có nhiệm vụ kiềm chế các Phương diện quân Bryansk và Voronezh của quân đội Liên Xô, không trực tiếp tham gia chiến dịch.

Thế bố trí trước chiến dịch

Sơ đồ bố trí binh lực hai bên tại khu vực Stalingrad tháng 11 năm 1942

Vào thời điểm bắt đầu Chiến dịch Xanh, 6 tập đoàn quân của Quân đội Đức Quốc xã và 4 tập đoàn quân các nước phe Trục (Romania, Hungary và Ý) đã dàn ra trên trận tuyến có chính diện lên đến 380 km và chiều sâu hàng trăm km.[39][40] Riêng Tập đoàn quân 6 đang phòng thủ một chiến tuyến dài 160 km đồng thời còn phải đảm nhiệm một cuộc tấn công với cự ly khoảng 400 km.[41] Sau khi tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) đột nhập Kuban và Tập đoàn quân 6 (Đức) tiếp cận Stalingrad, chính diện mặt trận đã lên đến hơn 800 km. Ngày 9 tháng 7 năm 1942, Quốc trưởng Adolf Hitler quyết định chia Cụm tập đoàn quân Nam làm đôi. Cụm tập đoàn quân A do thống chế Wilhelm List chỉ huy gồm các tập đoàn quân 11, 17 và tập đoàn quân xe tăng 1 nhằm hướng Kavkaz. Cụm tập đoàn quân B do thống chế Maximilian Reichsfreiherr von Weichs chỉ huy nhằm hướng Stalingrad.[42][43]

Đến sát trước cuộc phản công của quân đội Liên Xô tại địa bàn giữa hai khúc cong lớn của sông Đông và sông Volga, Cụm tập đoàn quân B (Đức) hầu như không còn lực lượng dự bị chiến dịch (chỉ còn lại một sư đoàn duy nhất là có nhiệm vụ bảo vệ tuyến sau).[44] Điểm sơ hở nghiêm trọng nhất tại khu vực Stalingrad là Tập đoàn quân 6 và Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) bố trí ở giữa đang mắc kẹt vào các trận đánh tại Stalingrad và ngoại vi thành phố trong một cố gắng nhằm bao vây Tập đoàn quân 62 và đẩy lùi tập đoàn quân 64 (Liên Xô) để tiến đến bờ sông Volga. Hai bên sườn gồm các đơn vị Romania và Ý được trang bị yếu hơn, có khả năng tác chiến kém hơn. Điểm yếu cốt tử này đã được Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô phát hiện và khai thác tối đa.[38] Chính tướng Friedrich Paulus cũng nhận ra được điểm yếu này trong cuộc họp ngày 11 tháng 9 năm 1942 tại Tổng hành dinh của Hitler. Friedrich Paulus đã chỉ ra rằng các đơn vị Romania chỉ trông cậy vào các trang thiết bị cũ kỹ và pháo do ngựa kéo, thêm vào đó nhiều trường hợp do sự đối đãi không rõ ràng của các sĩ quan đối với quân nhân được tuyển mộ đã làm giảm nhuệ khí của binh lính.[45] Về vấn đề cơ giới hóa, Sư đoàn thiết giáp số 1 mang tên "Nước Đại Romania" được trang bị khoảng 100 xe tăng 38 (t) của Tiệp Khắc.[42] Súng chống tăng 37 li của loại chiến xa này[46] không đủ hiệu quả để chống lại xe tăng T-34 của Liên Xô.[47] Tương tự như vậy, súng chống tăng PaK 37 li cũng đã cũ kỹ và thiếu đạn trầm trọng.[48] Chỉ sau khi lặp lại yêu cầu nhiều lần, quân Đức mới giao cho các đơn vị România súng chống tăng PaK li; mỗi sư đoàn 6 khẩu. Tập đoàn quân 3 România phòng giữ một chiến tuyến dài 140 km trên cánh trái. Tập đoàn quân 4 cũng của România bảo vệ một phân khu có chính diện không dưới 270 km trên cánh phải.[49] Quân ÝHungary được bố trí giữa 2 đội hình quân România [49]. Trên thực tế, các tướng lĩnh Đức không coi trọng năng lực chiến đấu của các đơn vị này.[50] Binh sĩ Ý bị chính các đồng minh của họ xem thường nhất và hay bị buộc tội nhát gan. Hiệu quả chiến đấu của các đơn vị Ý trên chiến trường còn bị giảm thiểu do vũ khí cũ kỹ và chất lượng trang bị kém.[51] Tuy nhiên, Quốc trưởng đã vạch ra một "giải pháp trung bình". Trong đó, nguy cơ đe dọa sườn phải của Tập đoàn quân 6 (Đức) sẽ bị loại trừ bằng một cuộc tấn công tiếp theo vào Astrakhan của Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) và tập đoàn quân 8 (Ý). Hitler cũng tin rằng tuyến phòng thủ do tập đoàn quân 3 Romania thiết lập ở phía Tây sông Đông trên tuyến Kletskaya đến Elanskaya sẽ ngăn chặn được quân đội Liên Xô.[52][53]

Trong lúc Adolf Hitler biểu lộ sự tin tưởng vào khả năng bảo vệ hai bên sườn quân Đức của các đơn vị phe Trục không phải là quân Đức,[53] thì trên thực tế, quân Đức cũng không khá hơn bao nhiêu; họ đã bị yếu đi do nhiều tháng chiến đấu với Hồng quân và trong khi Bộ tư lệnh tối cao Liên Xô phát triển thêm nhiều tập đoàn quân mới, Bộ chỉ huy tối cao của Đức lại cố duy trì các đơn vị cơ giới hóa hiện hữu của mình.[54] Hơn nữa, trong quá trình diễn ra cuộc tấn công của quân Đức từ giữa tháng 5 đến tháng 11 năm 1942, hai sư đoàn cơ giới SS, Sư đoàn Leibstandarte và Sư đoàn Großdeutschland (Đại Đức), đã bị chuyển từ Mặt trận A đến Tây Âu, để bổ sung quân dự bị cơ giới hóa trong trường hợp lực lượng Đồng Minh đổ bộ xuống nước Pháp.[55] Tập đoàn quân số 6 cũng chịu nhiều thương vong trong suốt cuộc chiến chỉ riêng tại thành phố Stalingrad.[56] Trong một số trường hợp, như đối với Sư đoàn thiết giáp số 22, trang bị của họ cũng không hơn gì so với Sư đoàn thiết giáp số 1 của România.[57]

Lực lượng Liên Xô

Nguyên soái Liên Xô Aleksandr Mikhaylovich Vasilevsky, Ủy viên Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô, Đại diện Đại bản doanh điều phối mặt trâhn Stalingrad (tháng 9/1942 - tháng 2/1943)

Binh lực

Quân đội Liên Xô tham gia Chiến dịch Sao Thiên Vương có tổng binh lực 1.103.000 người, 15.501 pháo và súng cối, 1.463 xe tăng và pháo tự hành, 1.350 máy bay, được biên chế trong ba Phương diện quân theo thứ tự bố trí từ Bắc xuống Nam gồm[1][3]:

  • Phương diện quân Tây Nam do Thượng tướng N. F. Vatutin chỉ huy, trong biên chế có:[58]
    • Tập đoàn quân 21 của trung tướng I. N. Chistiakov (chuyển thuộc từ tập đoàn quân Sông Đông), gồm các sư đoàn bộ binh 76, 227, 293, 297, 301; Quân đoàn kỵ binh 8 (NKVD); lữ đoàn cơ giới 1, lữ đoàn xe tăng 10 và tiểu đoàn pháo chống tăng 8.
    • Tập đoàn quân xe tăng 5 của trung tướng P. L. Romanenko, gồm Quân đoàn cơ giới 1, các quân đoàn xe tăng 22, 26 và sư đoàn bộ binh 119.
    • Tập đoàn quân cận vệ 1 của trung tướng D. D. Lelyutsenko (chuyển thuộc từ Phương diện quân Sông Đông, gồm Quân đoàn cơ giới cận vệ 1; các quân đoàn bộ binh cận vệ 4 và 6; các sư đoàn bộ binh 1, 153 và 197.
    • Tập đoàn quân không quân 2 của thiếu tướng K. N. Smirnov.[59]
    • Tập đoàn quân không quân 17 của thiếu tướng S. A. Krasovsky[59]
  • Phương diện quân Sông Đông (trước ngày 30 tháng 9 năm 1942 là Phương diện quân Stalingrad) do thượng tướng K. K. Rokossovsky chỉ huy,[60][61] trong biên chế có:
    • Tập đoàn quân 24 của trung tướng D. T. Kozzlov, gồm các sư đoàn bộ binh 173, 207, 214, 221, 233, 258, 260, 273, 292, 298 và 316; được tăng cường một lữ đoàn xe tăng.[62]
    • Tập đoàn quân 65 của trung tướng I. V. Galanin, mới thành lập ngày 22 tháng 10 năm 1942, gồm các sư đoàn bộ binh cận vệ 4 và 40, các sư đoàn bộ binh 23, 24, 304 và 321, lữ đoàn pháo chống tăng 3.[63]
    • Tập đoàn quân 62 của trung tướng V. I. Chuikov, mới được thành lập ngày 10 tháng 7 năm 1942 trên cơ sở tập đoàn quân dự bị 7; là đơn vị đang chiến đấu trong vòng vây hở của quân Đức tại nội đô Stalingrad; gồm các sư đoàn bộ binh 33, 121, 147, 181, 184, 192, 196, một lữ đoàn xe tăng và một lữ đoàn pháo binh.[64]
    • Tập đoàn quân 63 của trung tướng V. I. Kuznesov (mới thành lập ngày 10 tháng 7 năm 1942 trên cơ sở tập đoàn quân dự bị 5), gồm sư đoàn bộ binh cận vệ 14, các sư đoàn bộ binh 1, 127, 153, 197 và 203.[65]
    • Tập đoàn quân 66 của trung tướng A. S. Zhadov (mới thành lập ngày 27 tháng 8 năm 1942 trên cơ sở tập đoàn quân dự bị 8) gồm các sư đoàn bộ binh 49, 64, 120, 231, 299 và 316; các lữ đoàn xe tăng 10 và 69, các lữ đoàn pháo binh 148 và 246.[66]
    • Tập đoàn quân xe tăng 4 của tướng V. D. Kryuchenkin mới thành lập ngày 1 tháng 8 năm 1942 trên cơ sở các lực lượng tuyến trước của tập đoàn quân 28 gồm các quân đoàn xe tăng 22, 23 và sư đoàn bộ binh 18. Binh lực chủ yếu gồm 133 xe tăng và 5 đội pháo chống tăng tự hành.[67]
    • Tập đoàn quân không quân 16 của thiếu tướng S. I. Rudenko.[68]
  • Phương diện quân Stalingrad (trước ngày 30 tháng 9 năm 1942 là Phương diện quân Đông Nam) do thượng tướng A. I. Yeryomenko chỉ huy,[60][69] trong biên chế có:
    • Tập đoàn quân 28 của trung tướng V. F. Gerasimenko gồm sư đoàn vệ binh 34, các sư đoàn bộ binh 52, 152, 159, các lữ đoàn bộ binh 78 và 116.[70]
    • Tập đoàn quân 51 của thiếu tướng N. I. Trufanov gồm quân đoàn bộ binh 9, các sư đoàn bộ binh 271 và 276, các sư đoàn kỵ binh 1, 2 và 3.[71]
    • Tập đoàn quân 57 của thiếu tướng F. I. Tonbukhin gồm các sư đoàn bộ binh 333, 335, 337, 341, 349, 351; các sư đoàn kỵ binh 60 và 79.[72]
    • Tập đoàn quân 64 do tướng M. S. Sumilov chỉ huy, được thành lập ngày 10 tháng 7 năm 1942 trên cơ sở tập đoàn quân dự bị 1, gồm các sư đoàn bộ binh 29, 112, 214, 229; các lữ đoàn hải quân đánh bộ 66, 154; các lữ đoàn xe tăng 40, 137; trung đoàn vệ binh 76, trung đoàn pháo binh 28 và trung đoàn pháo chống tăng 40.[73]
    • Tập đoàn quân không quân 8 của thiếu tướng T. T. Khriukin.

Thế bố trí và kế hoạch tấn công

Chỉ huy và binh lính Liên Xô trước khi vào trận đánh tại Stalingrad

Ngày 12 tháng 9 năm 1942, Tổng tư lệnh tối cao I. V. Stalin họp bàn với Phó tổng tư lệnh tối cao G. K. Zhukov và Tổng tham mưu trưởng A. M. Vasilevsky để "tìm một giải pháp khác" cho ý đồ chiến dịch tại Stalingrad. Đêm 13 tháng 9, phương án sơ bộ đã được thông qua với "chìa khoá cho giải pháp" là việc kiên quyết phản công tại sườn phía Nam của mặt trận Xô-Đức với hai đòn vu hồi từ Tây Bắc và Nam Stalingrad vào các sườn của tập đoàn quân xe tăng 4 và tập đoàn quân 6 (Đức). Ý đồ này dựa trên cơ sở các lực lượng dự bị mới được xây dựng tại các vùng hậu phương của Liên Xô như Ural, Trung Á, Siberia; nhất là các đơn vị xe tăng, có thể làm thay đổi cán cân lực lượng tại khu vực Stalingrad có lợi cho quân đội Liên Xô.[74] Đến cuối tháng 10 năm 1942, Liên Xô xây dựng được 11 tập đoàn quân, nhiều quân đoàn và lữ đoàn độc lập khác.[75] Sau một tuần nghiên cứu thực địa tại chiến trường, ngày 27 tháng 9, ý đồ phản công được thể hiện trên một tấm bản đồ duy nhất của Cục tác chiến - Bộ Tổng tham mưu Xô Viết. Cũng từ ngày 27 tháng 9, kế hoạch phản công chính thức được mang mật danh "Sao Thiên Vương". Chỉ có năm người trong Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô được biết toàn bộ kế hoạch gồm: I. V. Stalin, G. K. Zhukov. A. M. Vasilevsky, Thiếu tướng V. D. Ivanov (Phó cục trưởng Cục tác chiến) và Đại tá I. I. Boykov (trợ lý Cục tác chiến). Ngày 25 tháng 10, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao giao cho Đại tướng G. K. Zhukov chỉ đạo tại chỗ việc chuẩn bị phản công của các phương diện quân Tây Nam và Sông Đông, Thượng tướng A. M. Vasilevsky chỉ đạo Phương diện quân Stalingrad.[76]

Vì lý do giữ bí mật ý đồ phản công, đến ngày 25 tháng 10, ngay sát trước thời điểm mở trận, Phương diện quân Tây Nam mới được tách ra từ Phương diện quân Voronezh.[77] Bố trí trên tuyến Sông Đông từ Elanskaya đến Kletskaya, trong tháng 9 và tháng 10 năm 1942, tập đoàn quân 21 của phương diện quân này đã chiếm được hai căn cứ bàn đạp tại Serafimovich và Kletskaya bên hữu ngạn sông Đông, sau này trở thành xuất phát điểm cho các cuộc tấn công trên cánh phải của quân đội Liên Xô tại khu vực Stalingrad. Theo kế hoạch Sao Thiên Vương, từ bàn đạp Serafimovich, tập đoàn quân xe tăng 5 sẽ đột phá tuyến phòng ngự của Tập đoàn quân 3 (Romania), phát triển về hướng Đông Nam đến khu vực Bolsoena-Batovskaya và Kalach, hình thành vòng vây ban đầu phía ngoài. Tập đoàn quân 21 và một phần tập đoàn quân cận vệ 1 có nhiệm vụ tấn công từ bàn đạp Kletskaya đến tuyến Vesenskaya - Bokovsky, dọc theo sông Chir đến Oblivskaya, hình thành vòng vây phía trong.[78]

Từ hướng đối diện, ở phía Nam Stalingrad, Phương diện quân Stalingrad sử dụng các tập đoàn quân 51, quân đoàn kỵ binh 4 và quân đoàn cơ giới cận vệ 4 tấn công các tập đoàn quân 4 (Romania) và 8 (Ý) từ các eo đất hẹp giữa các hồ Sarpa, Tsatsa và Barmantsak tấn công hợp điểm về Kalach; sử dụng các tập đoàn quân 57 và 64 từ khu vực Ivanovka đánh bọc sườn phía Nam của tập đoàn quân 6 và quân đoàn xe tăng 14 (Đức), hình thành vòng vây phía trong từ hướng Nam.[68]

Một kíp chiến đấu trên xe tăng T-34 trước giờ vào trận trong chiến dịch Sao Thiên Vương

Phương diện quân Sông Đông có nhiệm vụ sử dụng các tập đoàn quân 24 và 65 đánh hai đòn bổ trợ từ phía đông Kleskaya và Kachalinskaya đến Verchiashi, chia cắt và dồn ép quân Đức từ phía Tây Bắc về phía làng Gumrak; sử dụng tập đoàn quân 62 tiếp tục giam chân và kiềm chế tập đoàn quân 6 và một phần tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) trong khu vực phía Bắc Stalingrad cho đến khi hai phương diện quân ở hai bên sườn hoàn thành các vòng vây phía trong và phía ngoài.[59]

Không dừng lại ở ý định bao vây và tiêu diệt chủ lực Cụm tập đoàn quân B (Đức) tại khu vực Stalingrad, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô còn dự kiến sẽ đánh một đòn công kích tiếp theo từ Kamensk đến Rostov-na-Donu, cô lập toàn bộ Cụm tập đoàn quân A (Đức) tại Kavkaz. Kế hoạch ban đầu được mang mật danh "Sao Thổ", dự định tiến hành sau khi đánh tan chủ lực Cụm tập đoàn quân B (Đức).[79] Tuy nhiên, đến tháng 12 năm 1942, sau khi tính toán lại, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô đã phải từ bỏ ý định này vì không đủ lực lượng và tiến hành kế hoạch "Sao Thổ nhỏ" để chống lại cuộc hành quân "Bão mùa đông" do Cụm tập đoàn quân Sông Đông (Đức) tiến hành với mục đích giải vây cho cụm quân Đức tại Stalingrad.[80]

Để bảo đảm lực lượng và phương tiện cho chiến dịch, quân đội Liên Xô đã huy động hơn 27.000 xe ô tô để chở quân, huy động 1.300 lượt toa xe lửa mỗi ngày. Việc vận chuyển người và phương tiện vượt sông Đông và sông Volga trở nên phức tạp vì bắt đầu có băng trôi. Toàn bộ gánh nặng vận tải qua sông đều do hai hạm đội giang vận Volga, Sông Đông và công binh đảm nhận. Các tập đoàn quân tại mặt trận Stalingrad phải chịu các cuộc oanh tạc dữ dội, làm cho việc chuyển quân càng thêm khó khăn. Tiểu đoàn công binh số 38 đóng tại mặt trận có nhiệm vụ chuyển đạn dược, binh lính và xe tăng qua phà vượt sông Volga đồng thời phải tiến hành cuộc trinh sát nhỏ dọc theo các phân khu của chiến trường, nơi sẽ là các điểm chọc thủng phòng tuyến của cuộc tấn công sắp tới. Trong 3 tuần cuối tháng 10, Quân đội Liên Xô đã vận chuyển gần 111.000 quân, 420 xe tăng và 556 khẩu pháo qua sông Volga.[81] Từ ngày 1 đến ngày 19 tháng 11, tốc độ chuyển quân được đẩy lên cao hơn. Hơn 160.000 binh lính và sĩ quan, 16.000 ngựa, 430 xe tăng, hơn 600 khẩu pháo, 14.000 ô tô và gần 7.000 tấn đạn đã được vận chuyển qua sông Volga. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Ngày 11 tháng 11, trong chuyến đi kiểm tra cuối cùng, G. K. Zhukov đã phát hiện thấy việc chuẩn bị của không quân vẫn chưa đủ để yểm hộ lực lượng mặt đất. Tại Phương diện quân Stalingrad vẫn còn 2 sư đoàn bộ binh (87 và 315) chưa đến được vì thiếu phương tiện vận tải, Quân đoàn cơ giới 4 của thiếu tướng V. T. Volsky mới chỉ tập trung được một lữ đoàn xe tăng và còn thiếu hàng trăm tấn nhiên liệu. Tại hai tập đoàn quân 51 và 57, cần phải chuyển gấp đạn dược và áo ấm ra phía trước cho binh sĩ trước ngày 14 tháng 5.[82] Căn cứ trên các báo cáo từ chiến trường, 13 giờ 10 phút ngày 15 tháng 11, I. V. Stalin gửi cho G. K. Zhukov bức điện sau đây:

Gửi đồng chí Konstantinov.[83] Ngày sơ tán của Fedorov và Ivanov[84] có thể do đồng chí xem và quyết định, sau đó báo cáo với tôi khi về Moskva. Nếu đồng chí cảm thấy ai trong số hai người đó cần bắt đầu sơ tán sớm hơn hay muộn hơn một hai ngày, tôi ủy quyền cho đồng chí quyết định và vấn đề đó do đồng chí định liệu
— Vasiliev, [85][86]

Cuối cùng, Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô đã lùi thời điểm mở chiến dịch Sao Thiên Vương đến ngày 19 tháng 11 (đối với cánh Bắc) và 20 tháng 11 (đối với cánh Nam)[87] Việc chênh lệch một ngày là do Phương diện quân Tây Nam phải vượt một chặng đường dài hơn Phương diện quân Stalingrad hàng trăm km để có thể hội quân tại khu vực Kalach - Sovietskaya và còn phải vượt sông Đông trong hành tiến.[86]

Các hoạt động bảo mật và nghi binh chiến dịch cũng được thực hiện ráo riết. Các đơn vị quân đội Liên Xô đã diễn tập nhiều trận giả để thực hành các biện pháp đẩy lùi các cuộc phản kích của đối phương và cách thức lợi dụng cửa đột phá do các lực lượng cơ giới hóa tạo ra để nhanh chóng phát triển chiều sâu của đòn đột kích.[88] Các hoạt động này được che giấu thông qua các hành động ngụy tạo của phía Liên Xô, bao gồm giảm liên lạc vô tuyến, ngụy trang, giữ an ninh, dùng giao liên thay cho radio và các hành động giả tạo như tăng cường chuyển quân xung quanh Moskva.[89] Tại Moskva, các nội dung về chiến dịch "Sao Thiên Vương" đều bị cấm nhắc đến trong bất cứ một công văn, giấy tờ hay một cuộc nói chuyện điện thoại nào; các mệnh lệnh chỉ được nói miệng và truyền đạt trực tiếp tại chỗ cho người thực hiện. Tại khu vực xung quanh Stalingrad, các cuộc chuyển quân đều bắt buộc phải tiến hành vào ban đêm.[90] Các đơn vị công binh được lệnh xây dựng các công sự phòng thủ nhằm tạo ra ấn tượng sai lệch cho quân Đức, đồng thời cho xây dựng nhiều cây cầu giả để làm lệch hướng chú ý của quân Đức khỏi những cây cầu thật đang được xây dựng băng qua sông Đông.[91]

Ngay sau khi hoàn tất việc chuẩn bị chiến dịch, G. K. Zhukov đề xuất và được I. V. Stalin đồng ý cho sử dụng hai phương diện quân Tây và Kalinin tiến hành chiến dịch "Sao Hoả" đột kích vào chính giữa Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) tại khu vực Rzhev - Vyazma nhằm kiềm chế chủ lực Cụm tập đoàn quân Trung tâm nhằm khiến quân Đức lầm tưởng cuộc tấn công chính nhằm vào quân Đức sẽ diễn ra tại khu vực này.[33] Vào ngày 17 tháng 11, hai đại tướng A. M. Vasilevsky và G. K. Zhukov đều được gọi về Moskva. Tại đây, A. M. Vasilevsky được giao toàn quyền điều hành chiến dịch "Sao Thiên Vương", còn G. K. Zhukov đến các phương diện quân Tây và Kalinin.[92]

Cùng ngày hôm đó, A. M. Vasilevsky còn được cho xem bức điện do thiếu tướng Vasily Volsky, chỉ huy trưởng Quân đoàn cơ giới số 4, viết cho Stalin cố gắng thuyết phục đình lại cuộc tấn công.[93] Tướng Volsky cho rằng cuộc tấn công đã vạch ra theo kế hoạch sẽ chịu thất bại do tình trạng các lực lượng dành cho chiến dịch; ông đề nghị hoãn cuộc tấn công và thiết kế lại toàn bộ chiến dịch do không chuẩn bị đủ lực lượng và phương tiện.[94] Mặc dù tình báo Liên Xô đã có nhiều nỗ lực đáng kể trong việc thu thập được lượng thông tin đáng kể về cách bố trí của lực lượng phe Trục đang dàn trận phía trước họ,[95] nhưng vẫn không có nhiều thông tin về tình hình Tập đoàn quân số 6 của Đức.[96] Cuối cùng, các tướng lĩnh Liên Xô vẫn thống nhất không hoãn cuộc tấn công. Đích thân I. V. Stalin gọi điện cho Volsky qua mạng liên lạc mã hóa. V. T. Volsky lặp lại ý kiến của mình nhưng vẫn hứa tiến hành chiến dịch đúng thời hạn nếu được ra lệnh phải hành động như vậy.[97]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Sao_Thiên_Vương http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/A... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/A... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/H... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/H... http://web.archive.org/20090630174610/velikvoy.nar... http://web.archive.org/20100316032319/velikvoy.nar... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v...